Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Về việc SV không được vay vốn đi học


(Chinhphu.vn) – Sinh viên Phan Thị Oanh, ở Thôn An Mỹ 1, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, hiện đang học năm thứ 3 ngành Quản trị kinh doanh  du lịch  và dịch vụ, Đại học Kinh tế, trường Đại học Đà Nẵng, gửi câu hỏi thắc mắc về việc không được vay vốn ưu đãi đi học.
Trong thư, bạn Phan Thị Oanh viết: “Gia đình cháu có 4 chị em, ba mẹ làm không đủ tiền chu cấp cho 4 chị em đi học nên phải vay tiền sinh viên cho cháu và chị gái. Chị gái lớn ra trường vào tháng 7/2011 nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc làm. Cháu là sinh viên năm thứ 3. Trong khi vay vốn cho chị cháu, ban đầu ngân hàng đòi thu tiền lãi theo hằng tháng, gia đình cháu nộp và sau đó ngân hàng trả tiền lãi đó lại.
Riêng về phía bên cháu, cháu vay được 2 năm đầu, khi bước qua đầu năm thứ 3, cháu nộp giấy chứng nhận của trường, khi đến kì giải ngân thì ngân hàng không cho vay, đòi phải nộp tiền lãi của chị cháu với số tiền hơn 7 triệu đồng.
Gia đình cháu giờ chưa đủ khả năng trả chừng đó tiền, chỉ trả được ít và xin ngân hàng cho cháu vay, mỗi tháng gia đình cháu trả bớt tiền lãi của chị với số tiền là 500.000 đồng, nhưng ngân hàng không đồng ý.
Còn về phía địa phương, theo nguyên tắc là gia đình cháu phải nộp tiền lãi cho tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) rồi tổ trưởng nộp lên cho ngân hàng.
Cả một năm học này cháu phải chạy mượn tiền khắp nơi để đóng tiền học phí, tiền trọ và trang trải sinh hoạt của mình.
Bây giờ cháu là sinh viên cuối năm thứ 3 ngành quản trị du lịch và dịch vụ nên cũng cần có tiền để đi kiến tập, cháu không thể tự lo cho năm học tới, không tiếp tục thực hiện được ước mơ của mình nữa ạ.
Cháu khẩn xin Chính phủ xem xét cho hoàn cảnh của cháu và giúp cháu tiếp tục thực hiện ước mơ”.
Câu hỏi của bạn được ông Lò Văn Đức, Giám đốc Ban tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác thuộc Ngân hàng CSXH trả lời như sau:
Căn cứ nội dung thư kiến nghị của sinh viên Phan Thị Oanh, ngày 19/04/2013, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp tại UBND xã Tam An để xác minh những nội dung trong thư kiến nghị, với thành phần họp gồm: Đại diện Lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam, Phòng Kiểm tra-Kiểm toán nội bộ chi nhánh tỉnh, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện và cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn xã với lãnh đạo UBND xã Tam An, cán bộ chuyên trách giảm nghèo xã, Tổ trưởng Tổ TKVV, Thôn trưởng thôn An Mỹ I và hộ gia đình vay vốn.
Theo Biên bản cuộc họp, những nội dung kiến nghị trong thư đã được Đoàn xác minh, làm rõ và giải thích thấu đáo với hộ vay, cụ thể như sau:
Căn cứ vào danh sách đề nghị vay vốn đã được UBND xã Tam An duyệt đối tượng được xét vay vốn, ngày 08/11/2007, gia đình của em Phan Thị Oanh là hộ vay Huỳnh Thị Liệp đã được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh giải ngân Chương trình HSSV cho sinh viên Phan Thị Thu Yến, đến nay còn dư nợ số tiền là 32 triệu đồng (đã ra trường tháng 9/2011).
Ngày 02/03/2011, tiếp tục được xét cho vay đối với em sinh viên thứ 2 là Phan Thị Oanh với số tiền là 17,2 triệu đồng. Bên cạnh đó, năm 2007 gia đình được xét vay vốn chương trình hộ nghèo là 15 triệu đồng, năm 2011 vay chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường là 8 triệu đồng. Vậy đến nay, tổng dư nợ vay các chương trình tín dụng ưu đãi của hộ gia đình bà Huỳnh Thị Liệp là 72,2 triệu đồng.
Về nội dung trình bày trong Thư: “Ngân hàng đòi thu tiền lãi theo hằng tháng, gia đình nộp lãi và sau đó ngân hàng trả tiền lãi đó lại; khi đến kỳ giải ngân thì ngân hàng không cho vay, đòi nộp lãi của sinh viên thứ 1 với số tiền hơn 7 triệu đồng; hộ gia đình xin mỗi tháng trả bớt tiền lãi của sinh viên vay thứ 1 với số tiền là 500.000 đồng; Tổ trưởng không chịu thu lãi của gia đình mà bảo tự xuống ngân hàng mà nộp” của em sinh viên là không đúng.
Tháng 9/2012 UBND xã Tam An rà soát đối tượng vay vốn chương trình tín dung HSSV thì gia đình sinh viên Phan Thị Oanh không thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định (không thuộc hộ nghèo, hộ có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật, hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh), do đó sinh viên Phan Thị Oanh không được UBND xã xác nhận để tiếp tục được vay vốn năm học tiếp theo.
Mặc khác, gia đình cũng không thông tin rõ cho em sinh viên về việc trả lãi, trả nợ vay của hộ gia đình nên sinh viên Oanh đã có những phản ảnh không đúng sự thật.
Việc thu lãi chương trình học sinh sinh viên đối với những sinh viên còn đang học tại trường là không bắt buộc, tuy nhiên Tổ TKVV có tuyên truyền, động viên khuyến khích hộ gia đình có điều kiện và tự nguyện nộp lãi hằng tháng thì Ngân hàng tổ chức thu nhằm giảm gánh nặng về tài chính sau khi sinh viên ra trường; không có trường hợp Ngân hàng không thu lãi, trả lại lãi cho hộ gia đình.
Hộ gia đình có vay cho sinh viên Phan Thị Thu Yến đã ra trường gần được 2 năm, đã được Ngân hàng thông báo trả lãi, trả nợ sau khi sinh viên ra trường là đúng quy định, nhưng đến nay hộ gia đình vẫn chưa có kế hoạch nộp lãi, không thực hiện trả nợ như đã thỏa thuận theo phân kỳ với Ngân hàng.
Không có trường hợp Ngân hàng bắt buộc nộp hết lãi sinh viên mới giải ngân.
Việc tiếp tục xét cho vay đối với hộ gia đình cho những năm học tiếp theo đối với sinh viên do Thôn trưởng, Tổ TKVV bình xét và UBND xã duyệt đối tượng vay.
Qua bản tường trình của Tổ trưởng Tổ TKVV là bà Võ Thị Minh Trang: Hằng tháng, Tổ trưởng có thông báo cho hộ vay nộp lãi, nhưng hộ vay thường không nộp lãi tháng mà để 3 tháng mới nộp lãi một lần. Qua xác minh tại cơ sở, việc này là đúng sự thật; không có trường hợp Tổ trưởng không chịu thu lãi của hộ vay và yêu cầu hộ vay lên Ngân hàng nộp.
Trong nội dung Biên bản làm việc ngày 18/4/2013, tại thôn Mỹ An 1, xã Tam An, huyện Phú Ninh giữa đại diện Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương, Tổ TKVV, hộ vay sinh viên Phan Thị Oanh cũng đã có ý kiến: Do quá bức xúc vì không được vay vốn nên em có những kiến nghị về Ngân hàng, tổ trưởng và chính quyền địa phương không chính xác như trong đơn đã trình bày.
Bình Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét