Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Gần 400.000 người đến xem pháo hoa Đà Nẵng


Ngập tràn trong sắc màu của đêm thi. Các đội thi đã mang lại trong không khí của Đà Nẵng những màn pháo hoa ấn tượng cùng với những bản nhạc hấp dẫn càng làm cho lễ hội được thành công. Lễ hội đã để lại ấn tượng sâu sắc đến với người xem. DIFC 2013 đã chia tay hàng trăm nghìn người dân và du khách trong sự lưu luyến khôn cùng.
Cuộc hội ngộ giữa thanh âm và sắc màu đỉnh cao đã khép, nhưng để lại ấn tượng khó quên về một mùa pháo hoa đầy sức hấp dẫn và nhiều ý nghĩa đối với  du lịch , ngoại giao cũng như hoạt động kinh tế-xã hội khác của thành phố Đà Nẵng.

Sau những màn pháo hoa rực rỡ



Phó GĐ Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng - ông Mai Đăng Hiếu - cho biết, việc tìm tòi, luôn đổi mới, tạo ra những sự kiện văn hóa, thể thao du lịch độc đáo, riêng có của Đà Nẵng trong thời gian gần đây không chỉ nhằm mục đích phát triển du lịch, dịch vụ thương mại mà còn tranh thủ giới thiệu hình ảnh Đà Nẵng ra quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Hiếu chứng minh, riêng sự kiện pháo hoa quốc tế, với việc tham gia của Nhật Bản đúng vào dịp kỷ niệm chẵn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật là hết sức ý nghĩa. Dịp này, TP đã có hàng loạt các hoạt động xúc tiến đầu tư, ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư với các DN đến từ Nhật Bản. Đến nay, Đà Nẵng có 87 DN Nhật hoạt động, với tổng vốn đầu tư trên 350 triệu USD, giải quyết 25.000 việc làm, chiếm hơn 30% sản phẩm công nghiệp của TP.

Tương tự Nhật Bản, Hoa Kỳ đang là quốc gia có nhiều mối quan tâm đầu tư đến Đà Nẵng. Đặc biệt là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Công nghệ thông tin tập trung của Tập đoàn Rocky của Mỹ. Với mức đầu tư 287 triệu USD, Đà Nẵng kỳ vọng KCN CNTT tập trung này sẽ thành “thung lũng silicon” của Việt Nam.

Đặc biệt, Chính phủ đã ký kết với WB hiệp định tài trợ dự án phát triển bền vững TP.Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 272 triệu USD. Trong đó 202,4 triệu USD vốn vay từ WB và 69,7 triệu USD vốn đối ứng từ ngân sách TP. Dự án này sẽ giúp Đà Nẵng cải thiện hệ thống thoát nước, phát triển hệ thống xe buýt nhanh chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông...

Pháo hoa đã “làm nền” để Đà Nẵng mở rộng quan hệ, thu hút đầu tư, phát triển bền vững.

Sau pháo hoa, du khách vẫn lưu luyến, ước rằng được “thêm một đêm, một đêm như thế nữa”... Ngược lại, nhiều hãng lữ hành “thở phào” sau mấy ngày “vắt chân lên cổ” phục vụ du khách đến xem pháo hoa. Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Vitours cho hay: “Dù ban đầu chúng tôi dự báo là lượng khách đến Đà Nẵng xem pháo hoa sẽ giảm, nhưng càng cận ngày, số lượng càng tăng và chúng tôi gần như không còn đủ dịch vụ để cung cấp”. Có thể nói, như nhận xét của ông Joe Ghazzal, Tổng Giám đốc Global2000 International (Malaysia), đơn vị tư vấn cho DIFC 2013, qua 6 lần tổ chức, pháo hoa đã thể hiện sức ảnh hưởng lớn và rộng đến nhiều hoạt động kinh tế-xã hội của Đà Nẵng, đặc biệt là đối với việc khai thác, quảng bá du lịch của thành phố trong và ngoài nước. Ông đánh giá: “Với pháo hoa, cả thành phố Đà Nẵng như bừng lên một sức sống khác. Mọi chuyến bay đến Đà Nẵng đều kín chỗ. Các khách sạn không ngừng thêm khách đăng ký. Rất nhiều du khách nước ngoài đến Đà Nẵng để xem pháo hoa. DIFC đã trở nên phổ biến và thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ DIFC, Đà Nẵng trở thành điểm đến được ưa thích”.

Theo thống kê chưa chính thức từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng, ước tính tổng lượng khách đến Đà Nẵng trong dịp pháo hoa là trên 395.000 lượt người, tăng 8,2% so với DIFC 2012. Trong đó, 205.104 lượt khách du lịch mua tour, đăng ký lưu trú tại Đà Nẵng, tăng 14,7%; số còn lại ở lại nhà người thân hoặc từ các địa phương lân cận đến và đi trong ngày. Những ngày cận DIFC, công suất đặt phòng tại các khách sạn khá cao, vào khoảng 85-90%. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Dù năm nay Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế trong tình hình kinh tế khó khăn, nhưng DIFC 2013 vẫn có một sức hút lớn, là một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh  du lịch đà nẵng ”. Ông Trần Hòa, một du khách từ Sơn La cho hay, ông cùng gia đình gồm 8 người vào Đà Nẵng từ 3 hôm nay, ở lại nhà con trai chỉ để thưởng thức trọn vẹn hai đêm pháo hoa.

Hàng loạt các hoạt động phụ trợ sôi nổi, hấp dẫn với cách sắp xếp chương trình khá hợp lý trong mấy ngày qua đã làm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách, ngoài hai đêm pháo hoa. Ông Joe Ghazzal, vốn theo sát Đà Nẵng trong 6 kỳ DIFC đã công nhận: “Điểm khác biệt của Đà Nẵng so với các nước có tổ chức pháo hoa là người ta không chỉ được xem pháo hoa, mà còn có cơ hội tham gia những hoạt động mà mình yêu thích”. Và lượng khách lớn làm ông thấy nuối tiếc: “Từ đây, DIFC sẽ được tổ chức 2 năm/lần. Nhưng tôi vẫn mong cuộc thi được tổ chức hằng năm, bởi du khách và người Việt Nam thích pháo hoa, họ chờ đợi để xem pháo hoa mỗi năm. Nếu tổ chức 2 năm/lần, DIFC có thể sẽ làm cho du khách đến những thành phố khác như Macao, Thượng Hải, Manila-những nơi tổ chức pháo hoa hằng năm”.

Người nước ngoài “chấm” điểm cao cho DIFC

Sự thành công của DIFC 2013 một lần nữa khẳng định sự chuẩn bị, tổ chức chu đáo, kỹ lưỡng của cả thành phố Đà Nẵng, cũng như năng lực vượt trội của các đội thi. Công tác tổ chức cuộc thi không chỉ để lại ấn tượng đẹp đối với du khách nội địa, mà còn được nhiều người nước ngoài “chấm” điểm cao. Có mặt tại Đà Nẵng trong mấy ngày qua để cập nhật tin tức về DIFC 2013, anh Jesse Veverka đến từ Công ty truyền thông Veverka Bros Production của Mỹ thể hiện sự thán phục: “Đà Nẵng đã vận hành rất tốt DIFC, nhất là việc tổ chức cùng lúc cho 5 đội trình diễn là điều chỉ có ở Đà Nẵng”. Điều này, tất nhiên đòi hỏi sự huy động tổng lực và chịu áp lực rất lớn về mặt tổ chức, với việc cùng lúc bảo đảm rất nhiều khâu “nghẹt thở” như an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy... Sự tổ chức bài bản, an toàn của Đà Nẵng cũng được chính các đội thi đánh giá tốt. “Việc chuẩn bị, bảo đảm gần như tuyệt đối ở hầu hết các mặt đã vượt ngoài mong đợi của chúng tôi về một cuộc thi, nhất là việc tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi thể hiện ý tưởng của mình trong hai đêm. Điều đó cuốn hút chúng tôi trở lại tham gia lần thứ ba, và sẽ còn nhiều lần khác nếu đội Ý vinh dự được mời”, ông Antonio Parente, Đội trưởng đội đoạt giải nhì DIFC 2013 - Parente (Ý) chia sẻ.

Về mặt ngoại giao, DIFC 2013 là một chương trình đối ngoại rất tốt, theo ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng. “Qua cuộc thi, trước hết, mối quan hệ bang giao giữa Đà Nẵng với các nước có đội dự thi thêm thân thiết, bền chặt. Hơn thế, DIFC là cầu nối lý tưởng, vun đắp tình hữu nghị, thiện chí của Đà Nẵng, của Việt Nam với bạn bè năm châu. Điều này được thể hiện qua thông điệp hòa bình, phát triển mà các đội thi đã mang đến Đà Nẵng trong 6 năm qua”, ông Sâm nhìn nhận. Ngoài ra, cũng theo ông Sâm, DIFC đến nay đã thực sự trở thành một sự kiện quốc tế. Qua 6 năm, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của rất nhiều nước, cường quốc đến từ nhiều châu lục trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản (châu Á); Pháp, Italia, Nga (châu Âu), Mỹ, Canada (châu Mỹ)… DIFC đã tạo tiếng vang lớn, giúp Đà Nẵng trở thành địa chỉ mới, hấp dẫn trên bản đồ các cuộc thi, lễ hội của thế giới. Hơn thế, DIFC còn là cơ hội để nhân dân thành phố có dịp giao lưu, gặp gỡ bạn bè quốc tế, là cơ hội để người Đà Nẵng mở rộng tầm nhìn, hiểu biết nhiều nền văn hóa trên thế giới.

Lễ hội pháo hoa 2013 đã chính thức khép lại trong sự lưu luyến của bao người. Hai năm nữa, sông Hàn mới có dịp hẹn hò cùng khách bốn phương để chan hòa trong âm thanh, ánh sáng và những sắc màu rực rỡ, lung linh đầy ấn tượng. Người người chia tay DIFC mà tiếc nuối...
My tour

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét