Chị Nhi "thủ thư" ở bãi Hương Ra cù lao Chàm, nếu để ý, bạn sẽ thấy trong sương mù và biển thẫm đen, những bóng đèn chao nghiêng chập chờn. Dân đi lưới đấy. Bằng thuyền thúng. Phụ nữ đấy. Đàn ông đi xa một chút, họ thì ở gần bờ. Chồng, vợ đều đi biển. Xong một mẻ lưới, vội chèo vào bờ bán, rồi chạy về cơm nước. Họ thật sự chia sẻ nỗi nhọc nhằn trên sóng nước cùng chồng. Chị Nhi vừa bán mực xong, vội về. Tôi ngỡ ngàng khi chị mở cửa căn nhà có chữ “thư viện” song ngữ Anh-Việt. “Người ta” mà chị nói ở trên là chị Nguyễn Thị Thanh Tú ở TP.HCM và Vanessa người Ý, làm cho một tổ chức phi chính phủ. Chị Tú kể, chị ra đây năm 2010, thấy bà con thiếu thốn quá, nhất là trẻ em, nên cùng bạn bè quyên góp sách vở để lập một thư viện nhỏ. Vanessa vừa có chồng là người Nha Trang, trở thành cô dâu Việt, định cư và làm việc cho một khách sạn lớn ở Hội An. Vanessa bỏ tiền mua ngôi nhà này, sửa sang lại. Mỗi năm họ về đây một lần cho sách vở, quần áo, trao học bổng cho các em, có em học cao đẳng được tài trợ suốt ba năm. Vanessa đã được tỉnh Quảng Nam trao bằng khen vì hoạt động thiện nguyện. Theo chị Tú, chính người dân, những người phụ nữ ở đây đã chinh phục họ. Từ bãi Làng, tức là bãi cập cảng cù lao Chàm, đi thuyền 5km nữa là đến bãi Hương. Làng biệt lập, đâu chừng 100 hộ. Khốn khó không ít, nhưng chính điều đó đã “chưng cất” và gìn giữ sự hồn nhiên, nhân hậu, vô tư đến kỳ lạ của con người nơi đây. Phần lớn họ là người trung niên và người già. Trẻ em lớn lên, vào cấp II là bắt đầu xa nhà. Có lần chị dẫn khách Tây đến homestay tại nhà chị Nhi ba ngày. Khách thích quá, ở một tuần, nhưng hết tiền. Chị Nhi nói, lo chi, ở cho vui, tiền bạc chi. Chị nói thật lòng. Cơm nước đầy đủ. Chia tay, khách khóc. Họ đi, quyên góp sách gửi tặng thư viện này, chị Nhi có trách nhiệm mở và đóng cửa hàng ngày. Trong “thư viện”, sách văn học, giáo khoa chỉ được vài chục cuốn. “Con nít ham lắm nhưng sách ít quá”. Tôi hứa sẽ giúp. Chị mừng rỡ. “Em ở lại chơi nhà chị, uống rượu với chồng chị”. Tôi nhớ chị Tú kể, họ mời thật lòng, trân trọng, vô tư và vô nhiễm với thói đãi bôi. Đưa khách đến đây, chị phải nói thẳng là bà con không quen với kiểu đồ bikini khi tắm biển, nên thông cảm. Chi tiết này nhắc tôi nhớ khi hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Thôi, bán tạp hóa kiêm gội đầu, massage cho Tây ở đây. Đen đúa chính hiệu phụ nữ biển, đã 50 tuổi, đi làm massage, ông khách nào mà ưng? “Đừng nói khùng, tau đâu có như ở đất liền, Tây đi du lịch, muốn gội đầu, tau lấy ba đô, massage lấy năm đô, ông mô ưng hớt tóc, tau làm luôn, nhưng không có ba cái chuyện bậy bạ, dị (mắc cỡ) lắm, bà con chửi chết. Tau làm đại, đấm bóp, hớt tóc đại, cần chi học”. Tôi ăn cơm ở nhà chị Nguyễn Thị Hiệp. Chị nói, khách Tây đến ở đây, ngày đêm, ăn ba bữa, tất cả tiền là 270.000đ, khách Việt thì tùy vào nhu cầu ăn. Homestay nhà chị, năm 2013, đón 100 khách. “Tiếng Anh chị biết chút ít. Khi làm du lịch tại nhà, chị đã được hướng dẫn nấu ăn, buồng phòng, phục vụ. Họ thích lắm, chụp ảnh miết, khi về gửi tặng chị cả một album ảnh”.
2. Ở cù lao Chàm, ai cũng biết chị Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển. Xuất thân dân ngoại ngữ, đang làm việc ở UBND tỉnh Quảng Nam, chị được điều đi học thêm chuyên môn bảo tồn biển rồi ra cù lao Chàm từ 2003 đến nay. Chị thật tình, “đi ngang” cũng gặp lắm khó khăn, từ âu lo của gia đình, chồng con đến bản thân, nhưng phải vừa học vừa làm. Bảo tồn biển là ngành rất mới tại Việt Nam. Cùng với một người nữa, chị là người thứ nhì có kiến thức bảo tồn biển đầu tiên tại Quảng Nam. Từ 2009, cù lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Sau đó, Luật Thủy sản và Luật Đa dạng sinh học ra đời. “Cơ quan mình tuy thuộc bên nông nghiệp, nhưng bị hai bộ chi phối là Tài nguyên môi trường và Nông nghiệp-phát triển nông thôn, vì thủy sản thuộc nông nghiệp, còn bảo tồn đa dạng sinh học lại của tài nguyên môi trường”. Công việc của họ là bảo tồn, phát triển những động thực vật nằm trong nhóm “cấp cứu”, giữ gìn môi trường sống ở biển, nghiên cứu đa dạng sinh học. Cù lao Chàm không xài túi ni lông, nhưng 10 năm trước, ni lông trên bãi biển dày đến nửa thước. Ngư dân lặn gần bờ bắt tôm hùm, cá hiếm, tuy có lợi nhưng lại phá nát san hô. “Họ họp, chửi thẳng mình phá nồi cơm của họ, suýt đánh anh em, nhưng mình nói anh em hãy nhẹ nhàng, cứ thuyết phục kiên trì thôi”. Nhờ vốn ngoại ngữ, chị chạy liên lạc, xin các đối tác phi chính phủ giúp đỡ, cuối cùng một tổ chức của Đan Mạch cũng gật đầu. Từ đó, dân lặn biển chuyển nghề sang làm dịch vụ. Chị cùng cộng sự tổ chức homestay, khuyến cáo dân không sử dụng túi ni lông. “Cuộc chiến” dai dẳng giữa chủ trương đúng và thói quen sai. Giờ thì túi ni lông, nếu có, cũng lén lút, bởi nói như mấy bà trên đảo là “phạt chết”. “Dân ủng hộ mình rồi - chị nói, san hô đã mọc lại, biển sạch sẽ, khách du lịch đông, bà con thu nhập khá, họ đã thấy được cái lợi của giữ gìn môi trường. Cù lao Chàm từ 2008 đến nay không còn thiếu đói, không lo hỗ trợ gạo nữa, bởi nguồn cá rất nhiều vì môi trường trong sạch. Khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, lượng khách tăng đột biến, người dân thu nhập cao hơn, yên tâm sống và thực hiện những quy định nghiêm ngặt của Nhà nước để giữ gìn đảo. Còn mình à? Giờ thì công việc cuốn mình đi, không rời được, thành con dân của cù lao Chàm rồi. Mình cũng là phụ nữ, nhưng nói thật, phụ nữ ở đây giản dị, thiệt thà lắm, đến mức tội nghiệp”. 3. Du lịch đã nuôi sống dân cù lao Chàm, từ những quyết sách mạnh mẽ của chính quyền, bằng mọi giá bảo vệ môi trường trên đảo. Núi chỉ thiêng, chỉ cao, khi có người. Cù lao Chàm đọng lại trong khách tấm lòng của cư dân bản xứ và cả những người phụ nữ xa xôi, xem đây là quê hương. Chị Tú nói, mình hay giới thiệu khách về bãi Hương, để phụ nữ ở đó thêm thu nhập, nhưng thật lòng là lo, khi đồng tiền quá nhiều, sự hồn hậu khi va chạm với thói nanh nọc, bán buôn, sẽ bị tổn thương, họ sẽ biến đổi. Chỉ mong điều đó đừng xảy ra. Trung Việt |
Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014
Những người đàn bà ở cù lao Chàm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét