Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Chờ đầu tư, khảo cổ biển Đông sẽ... không có gì!

Bao giờ Việt Nam có ngành khảo cổ học dưới nước? Chưa khảo cổ biển Đông vì Việt Nam còn nghèo

 Còn chờ gì nữa? 

Dù khảo cổ là lĩnh vực ngoại đạo nhưng vì khảo cổ dưới nước phải sử dụng tất cả các công cụ thiết bị để con người tồn tại và hoạt động trong môi trường nước, đó cũng chính là một nhiệm vụ của các nhà đóng tàu và kỹ thuật hàng hải nên KS Bình quan tâm nhiều đến lĩnh vực này.

Chính vì vậy, khi bàn tới câu chuyện mới đây Trung Quốc đã tuyên bố tàu khảo cổ dưới nước đầu tiên của nước này sẽ được đưa vào hoạt động tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ tháng 5/2014, thậm chí sẽ phát triển Hoàng Sa thành điểm đến du lịch KS Bình bày tỏ nhiều lo ngại. Bởi, nếu chỉ hiểu đơn thuần việc tiến hành hoạt động khảo cổ học dưới nước ở Hoàng Sa của Trung Quốc như một hoạt động nghiên cứu khoa học bình thường thì cũng có nhiều điều khiến các nhà khoa học Việt Nam đáng phải suy nghĩ.

Bởi trước đó, mãi tới năm 2009, Viện Khảo cổ học mới có hoạt động nghiên cứu khởi đầu, đặt nền móng ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam.

Nhưng đến cuối năm 2013, PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học vẫn nói rằng khảo cổ học dưới nước vẫn đang ở trong tình trạng không có người, không kinh phí và không cơ sở vật chất kỹ thuật.

Dù rằng TS Tín cũng thừa nhận: “Đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng, mới mẻ, hấp dẫn. Bằng chứng là vào năm 2012, chỉ thăm dò 20km thương cảng Vân Đồn, Quảng Ninh đã phát hiện được hàng chục vị trí nghi có tàu đắm”.

Dù biết rằng khảo cổ học dưới nước là một lĩnh vực mới mẻ, nhiều tiềm năng nhưng đây là ngành vẫn có nhiều khoảng trống

Lý giải thực tế này, KS Bình cũng nói thẳng, nhiều tiến sĩ khảo cổ học vẫn kêu thiếu cái này cái kia nhưng với khảo cổ học dưới nước điều quan trọng là cần các nhà khoa học yêu nghề, dám lặn và quyết tâm cao.

“Nếu nói thiếu tàu lặn thì thực ra cũng chưa cần phải có tàu lặn ngay. Nếu thực sự muốn làm có thể mượn tàu của cứu hộ, lặn vài chục mét là được. Việt Nam cần gì phải đợi ai nữa? Chúng ta có thể tự nghiên cứu được rồi. Các nhà khoa học nước ngoài đã vào giảng cho mình những khóa về khảo cổ dưới nước . Còn với khảo cổ trên bờ nhìn cái ấm biết ngay là ấm thời nào rồi. Do vậy chỉ cần thêm sự quyết tâm nữa thôi”, KS Bình nói.

 Có đầu tư rồi cũng bỏ đó thôi 

Theo ông Bình, lâu nay các nhà khoa học dường như mất hết động lực tinh thần. “Bàn đến làm gì cũng nói thiếu cái nọ, cái kia có mới bắt tay vào làm thì nhà nước chắc không thể ngay lập tức đáp ứng được. Các ngành nghiên cứu khác cũng được nhà nước đã đầu tư nhiều tiền nhưng nhiều người chỉ nói mà không thấy làm.

“Tôi e là nếu nhà nước cấp một cái tàu khảo cổ sẽ bị vứt xó ngay vì không có cái tàu khảo cổ hay tàu nghiên cứu biển nào mà làm được mọi nhiệm vụ. Nếu thực sự một nhà khoa học có đam mê chúng ta đã có nhiều thứ, bởi thực tế không ít nhà khoa học thế giới đã tự mày mò nghiên cứu và thành công rất nhiều từ chính vùng biển của Việt Nam”, KS Bình nói.

Dẫn ví dụ để minh chứng cho nhận định của mình, ông Bình nhắc tới Michael Flicker, người đã có mặt tại tất cả các vụ khảo cổ dưới nước từ Cù Lao Chàm tới Hòn Cau, Cà Mau...

Khác với các nhà khảo cổ dưới nước hàn lâm khác như ông Bass (cha đẻ của khảo cổ dưới nước) rất nổi tiếng từ Houston,Texas hay nhiều nhà khảo cổ Anh đã vào để huấn luyện cho các nhà khảo cổ Việt Nam, Michael xuất thân từ một kỹ sư cơ khí người Úc, sang Singapore để lập nghiệp.

Từ một kỹ thuật viên bình thường khi vào lặn tại Cù Lao Chàm đến nay Michael đã trở thành một nhà khảo cổ dưới nước có tên tuổi, học vị tiến sĩ với nhiều công trình, là một thành phần trong lãnh đạo Hội Khảo Cổ dưới nước toàn cầu, một doanh nhân thành đạt...

Vào trang web của Michael, có thể đọc được toàn bộ các cuộc khảo cổ dưới nước ở Việt Nam, bản thân anh đã dùng sonar rà quét sơ bộ toàn bộ vùng Biển Đông của ta để lập nên một bản đồ sơ bộ.

"Tại cuộc triển lãm Vietship hàng năm của chúng ta có xuất hiện một công ty đến từ Singapore giới thiệu các thiết bị dùng để lặn dưới nước,các buồng hồi áp (decompression chamber..) Do một công ty con của Michael sản xuất", KS Bình cho biết.

Theo KS Bình, những thiết bị này, nền cơ khí của chúng ta thừa sức chế tạo. Không thể so sánh với hoàn cảnh mà Michael bắt tay lập nghiệp khảo cổ, nhưng nếu tính ra, chúng ta cũng không phải từ tay trắng vào lúc này: những kinh nghiệm lặn cứu hộ của công ty Visal và kinh nghiệp hợp tác quốc tế trong hàng loạt các vụ lặn khảo cổ vừa qua, việc sử dụng các thiết bị ROV của các công ty dầu khí, các chuyên viên thủy âm quân sự, các kỹ sư đóng tàu hiểu biết về thuyền bè dân gian và các tàu thuyền cổ...Cùng với những người ngư dân khát khao đổi đời nhờ săn đồ cổ nên là những thợ lặn liều mạng ...

"Cho nên việc chờ rót tiền, rót thiết bị, rót người cho một ngành được coi là mới mẻ này đặt cho cả hai phía, người cấp và người nhận nhiều vấn đề. Là người nhận thụ động, dễ dàng đặt ra một hệ thống các yêu cầu, nào tàu thuyền, thiết bị, con người trong khi người cấp thì nguồn lực ngày càng hạn hẹp và tất cả không biết nên bắt đầu từ đâu?", ông Bình lo ngại.

Khảo cổ học dười nước hoàn toàn không phải là một cuộc nhằm tìm kiếm kinh doanh kho báu dù ở tầm cá nhân hay tầm quốc gia. Nhiều cuộc vớt đồ cổ vừa qua làm cho người dân tưởng như có một cuộc tranh đua giữa nhà nước và người dân, vì cuối cùng, dù ở tầm nhà nước, cũng chỉ là một đống cổ vật đem bán đấu giá tại thị trường quốc tế để trả công cho những công ty lặn nước ngoài.

 Bích Ngọc  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét