Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm cứu sống ngư dân bị nạn trên biển. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) Đảo Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, nằm cách đất liền khoảng 20km. Trên đảo hơn 500 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu cùng lực lượng quân đội là Tiểu Đoàn 70 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam) cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đứng chân. Với yêu cầu cấp thiết việc khám chữa bệnh cho quân và dân trên đảo, Phòng khám quân dân y kết hợp trên đảo Cù Lao Chàm được thành lập từ năm 2005, có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn mọi bề. Lực lượng y, bác sỹ tại đây chủ lực vẫn là cán bộ của Sở Y tế Quảng Nam cử ra đảo kết hợp với lực lượng quân y của Tiểu đoàn 70 và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam. Do điều kiện còn nhiều khó khăn nên ban đầu Phòng khám chỉ đảm nhận xử lý được những bệnh lý thông thường và phẫu thuật nhỏ. Những ca bệnh nặng, trung phẫu đều phải chuyển vào đất liền để chữa trị nên công tác khám chữa bệnh cho quân và dân trên đảo còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, thời gian gần đây Phòng khám đã được tăng cường thêm lực lượng y bác sỹ từ đất liền ra cùng với trang thiết bị hiện đại hơn. Phòng khám đã thực hiện khám chữa bệnh những ca bệnh nặng. Trung bình mỗi năm, Phòng khám đã khám chữa bệnh cho hàng nghìn lượt bệnh nhân là quân và dân trên đảo, trong đó có cả khách du lịch tham quan nghỉ dưỡng tại đảo, trong đó điều trị nội trú cho hàng trăm bệnh nhân. Anh Phạm Minh Hải (trú thôn Bãi Ông) cho biết trước đây, khi người thân trong gia đình ông bị bệnh, mọi người đều chuyển bệnh vào Bệnh viện Hội An. Gần đây, bà con nơi đây yên tâm hơn khi đến khám chữa bệnh hoặc điều trị nội trú ngay tại Phòng khám này. Là địa phương có lượng khách du lịch lớn, nhất là khi Cù Lao Chàm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trung bình mỗi năm Cù Lao Chàm đón khoảng hơn 150.000 lượt người. Do đảo chưa chủ động về nguồn điện lưới mà phụ thuộc vào nguồn điện từ máy nổ, cứ đến khoảng 21 giờ 30 phút hàng đêm là mọi người phải tắt đèn đi ngủ, nên công tác khám chữa bệnh vào ban đêm gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đảo còn khó khăn là trang thiết bị như máy gây mê, máy hút dịch thường bị hơi nước mặn nhanh chóng làm hư hỏng nhưng chưa có máy dự phòng. Đồng thời, vào mùa biển động, tàu thuyền ra vào đảo cực kỳ khó khăn, chính vì vậy nếu những người dân bị bệnh nặng phải vận chuyển vào đất liền điều trị lại càng gặp khó khăn gấp bội. Để khắc phục những khó khăn trên, nhằm nhanh chóng đảm bảo công tác khám chữa bệnh, từ năm 2013, Sở Y tế Quảng Nam đã tăng cường một tổ y tế ba người (gồm một phẫu thuật viên, một gây mê và một bác sỹ điều trị) tăng cường cho Cù Lao Chàm trong mùa biển động (từ đầu tháng 9 đến hết tháng 12 hàng năm). Theo sự phân công của Sở Y tế Quảng Nam, các bệnh viện như Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc, Bệnh viện Đa khoa Điện Bàn và Bệnh viện đa khoa Hội An liên tục bố trí nhân lực để tăng cường cho Cù lao Chàm trong mùa biển động. Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế Quảng Nam cho biết với mục tiêu cao nhất là phục vụ bệnh nhân, bên cạnh việc tăng cường các kíp công tác cho Cù Lao Chàm, Phòng khám còn tiến hành họp rút kinh nghiệm để thực hiện công tác khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn. Qua đợt tăng cường vừa rồi cho thấy, để tránh lãng phí thời gian trong mỗi kíp mổ, Phòng khám đã hấp sẵn dụng cụ, trang thiết bị để khi cần chỉ sau khoảng 5 phút là triển khai mổ ngay trên đảo. Đồng thời ra soát, lồng ghép các nguồn vốn để bổ sung các trang thiết bị cho Phòng khám nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh được thường xuyên, liên tục. Sau khi phòng khám được tăng cường các tổ công tác, đến nay lực lượng quân dân y trên đảo Cù Lao Chàm bên cạnh khám chữa bệnh những bệnh thông thường thì đã thực hiện được các ca phẫu thuật cấp cứu hạng hai như thủng dạ dày, xuất huyết ngoại... Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Hiệp cho biết trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Trạm Y tế xã, Phòng khám và đội ngũ y, bác sỹ quân y được chú trọng nên việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đạt kết quả cao. Ngoài ra, Cù Lao Chàm cũng đã thực hiện khá tốt các chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng, công tác chăm sóc, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, tiêm chủng mở rộng; phòng chống suy dinh dưỡng, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương nên trong năm 2013 không xảy ra dịch bệnh. Để việc thực hiện công tác khám chữa bệnh luôn đảm bảo, nhất là trong mùa mưa bão, Sở Y tế Quảng Nam đã đề nghị Tỉnh Đội Quảng Nam rút các bác sỹ quân y trên đảo về Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam tham gia thực hành các ca mổ nhằm nâng cao tay nghề. Sau khoảng 3-4 tháng thì trở lại phục vụ khám chữa bệnh trên đảo. Bên cạnh đó, Sở Y tế Quảng Nam hiện đang đề nghị Bộ Đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cải tạo hai tàu của những đơn vị trên để mỗi tàu có ít nhất là một phòng y tế để sơ cấp cứu khi chuyển bệnh vào đất liền trong mùa mưa bão. Đặc biệt, những chiếc tàu này phải có khả năng đi trong điều kiện sóng gió cấp 10. Cù Lao Chàm không những là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới, là nơi du khách trong và ngoài nước yêu thích, mà đây còn là địa điểm chiến lược trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe quân và nhân dân trên đảo được đảm bảo sẽ góp phần giúp nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, giúp cho bộ đội trên đảo chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./. |
Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014
Chăm sóc sức khỏe quân dân đảo tiền tiêu Cù Lao Chàm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét