Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Tác nghiệp báo chí tại Israel: Đừng đùa với an ninh!

Khi Karin - thành viên Ban Tổ chức Hội nghị  du lịch  quốc tế Jerusalem 2013 - thông báo, tất cả các đại biểu và phóng viên tham dự cần có mặt trước 7h30 ngày hôm sau, mang theo hộ chiếu, giấy mời và ít đồ trong túi nhất, có thể “thủ tục an ninh sẽ rất chặt chẽ để chuẩn bị đón Thủ tướng Benjamin Netanyahu”, tôi hớn hở đến nỗi Peter Finkbeiner - một đồng nghiệp người Đức - nhướn mày “Sao vui thế?”

An ninh được siết chặt tại Hội nghị du lịch Jerusalem khi Thủ tướng Netanyahu tham dự.

 

Có vẻ buồn cười, nhưng sự thanh bình và yên tĩnh quá mức trong suốt thời gian tôi ở Jerusalem chẳng mang chút bóng dáng nào hình ảnh của mảnh đất được ví như “vành đai chiến tranh của thế giới”. Giờ thì tôi cũng đã có cái để quan sát.

Jerusalem tĩnh lặng

Nhận được lời mời tham dự hội nghị về du lịch dù chỉ kéo dài 2 ngày tại Jerusalem (Israel) hồi cuối tháng 5, tôi gật đầu ngay. Tôi từng có khoảng thời gian tuyệt vời 1 tháng trải nghiệm, khám phá mảnh đất kỳ thú này theo chương trình của Bộ Ngoại giao Israel vào năm 2006, nên không thể bỏ qua cơ hội thăm lại “vùng đất lửa” Trung Đông. Chặng khởi hành thật êm ái, bay với Hãng hàng không Royal Jordanian, nhờ không phải trải qua cảnh vali bị các nhân viên an ninh lục tung trước khi lên máy bay như khi đi cùng Hãng hàng không Israel El Al lần trước. Tel Aviv đón tôi thật hiền hòa, với nụ cười của cô nhân viên hải quan xinh đẹp tại sân bay Ben Gurion: “Chào mừng đến Israel”. Sự khởi đầu thật may mắn.

Jerusalem là thành phố điển hình cho thời tiết đỏng đảnh của mùa hè Địa Trung Hải, khi ban ngày nhiệt độ có thể đến 32 độ C, nắng vàng rực rỡ, nhưng chiều xuống có thể hạ chỉ còn 10 độ C. Màn đêm lạnh buốt, với những cơn gió thổi thốc khắp các bức tường cổ Jerusalem mà cựu Đại sứ Israel tại Việt Nam Effie Ben Matityau - người bạn đầu tiên tôi gặp lại ở “mảnh đất thánh” huyền thoại - tự hào mô tả, “mỗi viên đá đều lưu giữ những dấu ấn lịch sử riêng, và được gìn giữ cẩn thận suốt hàng nghìn năm qua”. Những quán hàng ăn xinh đẹp, với các rặng hoa tím biếc, trắng và đỏ, hương thơm tỏa ngát khắp nơi. Jerusalem hiền hòa, thanh bình đến mức khiến tôi quên rằng mình đang ở chảo lửa chiến tranh Trung Đông.

Ngày đầu của Hội nghị du lịch Jerusalem 2013 nhanh chóng qua đi với chương trình hết sức thú vị, với những thông điệp về cơ hội hợp tác du lịch giữa Jerusalem và các nước trên thế giới. Hội nghị đề cao những đổi mới công nghệ nhằm vượt qua những thách thức mà Israel đối mặt, nhằm đạt được mục tiêu tăng lượng du khách lên 500%. Cuộc đối thoại với tỉ phú Do Thái người Mỹ - Sheldon Adelson - chủ của Tập đoàn Las Vegas Sands, một đồng minh nổi tiếng theo phái cứng rắn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu - khiến khán phòng sôi nổi. Cái tên Việt Nam được nhắc đến nhiều trong suốt buổi hội thảo, bởi tỉ phú Adelson không hề giấu giếm ý định muốn đầu tư xây dựng khu nghỉ mát phức hợp tại mảnh đất hình chữ S.

Hội nghị du lịch Jerusalem mang lại cho tôi nhiều người bạn mới. Peter Finkbeiner - nhà văn, nhà báo nổi tiếng người Đức, chủ biên tạp chí World - một mẫu hình đặc trưng của “công dân thế giới” luôn sẵn sàng chuyển hệ ngôn ngữ Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italia... Bất cứ lúc nào để trò chuyện nhiệt tình với bất cứ ai ông gặp. Peter kể, cha mẹ ông là bác sĩ người Đức, đã nhận 2 người con nuôi gốc Việt là nạn nhân chiến tranh để nuôi dưỡng và chữa trị. Người em trai nuôi của ông giờ đang sống ở Đức, nhưng người em gái đã quyết định trở về Nha Trang để gần gũi hơn với mảnh đất đã sinh ra mình. Ông hào hứng kéo tôi đi khắp nơi, giới thiệu là “cô con gái nuôi mới tìm thấy tại Jerusalem”.

Guy Porepp - người bạn cao lớn, đại diện cho tập đoàn du lịch Thụy Sĩ Lozanne tại Israel - khác hẳn tính với Peter. Anh tự nhận mình “ưa trầm tĩnh, chắc chắn” hơn là sự náo nhiệt. Guy kể, anh mang 3 quốc tịch: Israel, Đức và cả Tây Ban Nha. Guy và em gái chọn sống ở Israel, nhưng cha mẹ anh ở Đức. Ngày nào Guy cũng gọi điện nói chuyện với mẹ, nếu không “bà sẽ cuống lên vì lo không biết tôi đang làm gì”. Cứ cuối tuần, Guy lại đi từ Haifa đến Tel Aviv thăm em gái. Guy khiêm tốn giới thiệu người đồng nghiệp với tôi: “Đây là Wei-Cheng, người gốc Đài Loan, lớn lên tại Argentina và hiện làm việc ở Thụy Sĩ. Cậu ấy “rất đỉnh” khi nói được 12 thứ tiếng. Mình chỉ nói được có... 5 thôi”.

&Ldquo;Đừng đùa với nhân viên an ninh!”

Trước khi kết thúc ngày hội thảo đầu tiên, Karin đến dặn chúng tôi về những thủ tục an ninh chặt chẽ vào sáng hôm sau. Karin cho biết, sẽ có rất nhiều cảnh sát, nhân viên an ninh canh gác tại trung tâm hội nghị. Cô cảnh báo nên mang ít đồ nhất có thể đến hội nghị vào ngày mai, bởi nếu không, chúng tôi sẽ mất nhiều tiếng đồng hồ bị cật vấn và khám xét bởi hàng rào an ninh.

Quang cảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia Jerusalem thật khác so với buổi sáng trước đó, khi tôi và Peter có mặt tại đây vào 8h sáng. 3 xe bọc thép sừng sững chặn cạnh lối vào. Hàng loạt cửa kiểm tra an ninh được dựng ngay cạnh đó, soi hành lý và khám xét người như trong sân bay. Nhân viên an ninh đang bận rộn kiểm tra từng người. Tôi nhận được tin nhắn từ Guy: “Bạn đi qua cửa an ninh chưa? Chớ có nói đùa với họ nhé!”.

Bước đến cổng an ninh thứ nhất, tôi đưa hộ chiếu, và chờ nữ nhân viên an ninh rà tên trong danh sách khách mời. Không hiểu vì sao, tên của tôi không có trong danh sách cô cầm. Nhờ lời dặn của Karin, tôi mang đủ cả thẻ đại biểu, giấy mời, và thư điện tử vé máy bay do Ban Tổ chức hội nghị gửi. Quét mắt liếc qua những giấy tờ này một cách lịch sự, nữ nhân viên ngước nhìn tôi, hỏi chậm rãi: “Cô tên gì? Từ đâu đến? Tại sao cô quan tâm đến hội nghị này? Cô đến đây vì mục đích gì?”. Tất cả những câu hỏi này chẳng phải đã được thể hiện rõ trong tất cả giấy tờ mà tôi đưa ra sao! Tuy nhiên, tôi vẫn trả lời từng câu.

Ngay khi tôi vừa kết thúc, nữ nhân viên an ninh này điền điều gì đó bằng tiếng Hebrew vào tờ giấy, ngẩng lên, và... Hỏi: “Vì sao cô quan tâm đến hội nghị này? Cô đến đây vì mục đích gì?” Sự khó chịu bắt đầu len lỏi khi tôi phải lặp lại đúng các thông tin vừa mới kết thúc. Song tôi không làm họ hài lòng. Một sĩ quan cấp cao hơn được mời đến. Anh ta xem xét giấy tờ, thẻ ra vào hội nghị, và hỏi vì sao tên tôi không có trong danh sách. Một câu hỏi đánh đố, vì tôi không có câu trả lời. Người sĩ quan nhìn tôi chằm chằm. Các câu hỏi tiếp tục được lặp lại: “Cô tên gì? Vì sao cô đến hội nghị này? Mục đích của cô?”.

Tôi đang bị thẩm vấn? Đúng lúc đó, tôi nghe Peter Finkbeiner cũng đang lặp đi lặp lại các thông tin hệt như tôi vừa bị kiểm tra. Hóa ra tôi không phải người duy nhất bị tình nghi vì thiếu tên trong danh sách. &Ldquo;Tên tôi là Peter. Tôi sống ở Đức, nhưng cũng từng ở nhiều năm tại Mexico, Mỹ... Tôi có giấy mời. Tôi là nhà báo, nhà văn và chủ biên tờ The World. Các bạn có máy tính ở đây không? Có mạng không? Các bạn có thể đánh tên tôi là thấy ngay. Tôi đã viết rất nhiều sách...&Rdquo;. Rất may, một thành viên Ban Tổ chức ra xác nhận Peter và tôi là khách mời. Chúng tôi lọt qua cửa thứ nhất.

Cửa an ninh thứ hai đón chờ với máy soi hành lý. Tiếp đó, chúng tôi đến cửa thứ ba, nơi tất cả được bôi một chất lỏng vào lòng bàn tay. Theo lời giải thích của Guy Avital, đây là hóa chất giúp phát hiện liệu tay của người bị kiểm tra có từng cầm hay chạm qua chất nổ. Đến cửa thứ 4, tôi được yêu cầu tháo bỏ giày đưa vào máy soi, còn bản thân được đưa qua một cửa dò kim loại khác. Lúc này, việc kiểm tra mới hoàn tất. Tổng thời gian tôi phải trải qua các cửa an ninh là gần một giờ để vào khán phòng - nơi Thủ tướng Netanyahu chỉ xuất hiện 15 phút.

Thấy tôi muốn chụp ảnh cảnh kiểm tra an ninh, Karin trợn mắt: “Đừng làm thế. Cô muốn bị giam sao?”. Còn Peter cười am hiểu: “Chắc bị thẩm vấn chưa đủ, nên vẫn muốn trêu ngươi an ninh Israel đây! Lúc nãy họ cứ vặn đi vặn lại các câu hỏi tưởng như đơn giản thế là để xem chúng ta có lúng túng hay sơ hở gì không là chộp ngay đấy. Họ không nói đùa đâu”.

Khi rời Israel, một lần nữa tôi lại được trải nghiệm kiểm tra an ninh ngặt nghèo tại sân bay Ben Gurion. Dù toàn bộ hành lý đã được đưa qua máy soi kiểm tra, song tôi tiếp tục đến khu vực kiểm tra đặc biệt. Những người phải đến đây chủ yếu là người đạo Hồi, người Châu Á và một số giáo sĩ Do Thái. Hành lý bị lục tung, từ quần áo, sôcôla, mỹ phẩm Biển Chết mà tôi vừa mua từ siêu thị, cho đến quyển sách Peter tặng tôi. Các nhân viên an ninh bôi quệt hóa chất, kiên nhẫn rà từng thanh sôcôla như thể chúng đều có khả năng mang chất nổ.

Đến khi tôi được phép cất đồ thì tổng thời gian kiểm tra đã dài gần 2 giờ, đủ để anh bạn Guy Avital ra tiễn tôi ở sân bay chạy vào khu nhà hàng mấy lượt, tiêu thời gian cho hai cốc càphê, hai đĩa salad và một chiếc pizza!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét