Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Phân chia cổ vật tàu đắm ở biển Cù Lao Chàm

Sáng nay (29/5), tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, diễn ra buổi phân chia cổ vật được trục vớt tại vùng biển  cù lao chàm . Việc phân chia cổ vật theo tỷ lệ 7/3 đã được Chính phủ chấp thuận.

 
Công ty TNHH Trục vớt cứu hộ và kinh doanh nhà Đoàn Ánh Dương (có địa chỉ tại TP.HCM) được chia 7 phần và Sở VHTT-DL Quảng Nam được chia 3 phần của tổng số cổ vật được khai quật.
Bà Võ Thị Hạnh Dung trao tặng toàn bộ 70% của 2.028 hiện vật quý giá cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam.

Từ năm 2003, Công ty Đoàn Ánh Dương hợp đồng với Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam (nay là Sở VHTT-DL) để khai quật, trục vớt những hiện vật còn lại trên con tàu cổ đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An). Toàn bộ kinh phí khai quật do Công ty Đoàn Ánh Dương tự chịu.

Quá trình khai quật diễn ra từ năm 2003 đến năm 2007, Công ty Đoàn Ánh Dương đã khai quật được 15.934 hiện vật gốm Chu Đậu vào thế kỷ 15. Hiện vật gồm các loại: đĩa trung, đĩa nhỏ, đĩa lớn, bát, ấm tỳ bà, bình tỳ bà, lọ trung, hộp có nắp, chén, lọ minh khí...
Từ đó đến nay, toàn bộ số cổ vật này được đưa về Bảo tàng tỉnh Quảng Nam bảo quản và được Hội đồng Giám định cổ vật Bộ VHTT-DL vào giám định từng hiện vật và phân loại các hiện vật trên thành 10 lô đều nhau, mỗi lô có 1.390 hiện vật; riêng số hiện vật còn lại chưa đủ 10 bản cho một loại hình nên tạm thời lưu giữ tại kho Bảo tàng tỉnh để chờ khai quật tiếp theo.
Tháng 10/2012, Công ty Đoàn Ánh Dương đề nghị phân chia số cổ vật còn lại vì công ty không tiếp tục trục vớt nữa.
Tại buổi phân chia sáng nay, Công ty Đoàn Ánh Dương được phân chia 7 phần theo hình thức bốc thăm trong tổng số 13.906 hiện vật; Sở VHTT-DL Quảng Nam được phân chia 3 phần.
Riêng số hiện vật 2.028 còn lại chưa chia, là những hiện vật chỉ có thân hoặc nắp và hiện vật vỡ hỏng không đủ số lượng chia đều làm 10 phần cũng áp dụng Công ty Đoàn Ánh Dương 7 phần và Sở VHTT-DL Quảng Nam 3 phần. Tuy nhiên, bà Võ Thị Hạnh Dung, Giám đốc Công ty Đoàn Ánh Dương quyết định tặng luôn 7 phần của 2.028 hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam để bảo quản và trưng bày.
Theo bà Võ Thị Hạnh Dung, trong thời gian tổ chức khai quật toàn bộ hiện vật này từ năm 2003 đến năm 2007, công ty chi phí khoảng 23 tỷ đồng. Số lượng nhân công tại hiện trường thời điểm cao nhất lên đến hơn 50 người.
“Công ty chúng tôi hoạt động được 10 năm trong lĩnh vực này, chủ yếu là khai quật cổ vật trên biển. Toàn bộ hiện vật được phân chia này công ty sẽ đem về phân loại, sắp xếp để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi (nơi quê hương của bà) theo kiểu xã hội hóa”, bà Dung cho biết.
Thiên Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét