Mùa hè là cao điểm của du lịch nội địa, bên cạnh nỗi lo tìm phòng, xe, vé máy bay, các công ty lữ hành năm nào cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch.
Ra trường nhiều... Dẫn tour chẳng được bao nhiêu Theo kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng, năm 2012, trong tổng số gần 14.000 người hoạt động trong lĩnh vực du lịch thì đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) được cấp thẻ chỉ có 560 người, chiếm khoảng 4%. Con số này là quá ít ỏi so với lượng khách du lịch đến Đà Nẵng không ngừng tăng lên qua các năm. Các công ty lữ hành cho biết, hè năm nay, lượng khách du lịch ở hai đầu đất nước đổ về Đà Nẵng tăng khoảng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường du lịch hè có nhiều khởi sắc đã tạo nên “cơn khát” về nguồn HDV trong mùa cao điểm. Hiện Đà Nẵng có khoảng 12 đơn vị gồm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trung tâm tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho thành phố. Mỗi năm các đơn vị này cung ứng cho thị trường du lịch khoảng 3.500 - 5.000 lao động, trong đó chiếm 7-10% là đào tạo HDV du lịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số sinh viên tốt nghiệp ngành HDV ra trường vừa thiếu lại vừa yếu về chuyên môn, phải qua một quá trình đào tạo lại mới có thể đảm trách dẫn tour được. &Ldquo;Đào tạo HDV du lịch hiện nay còn bất hợp lý, chưa gắn với thực tiễn. HDV chỉ được học trên lý thuyết suông, ít được va chạm thực tế qua những chuyến đi. Thế nên, tìm một HDV có năng lực là rất khó đối với các công ty du lịch”, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch đà nẵng , Tổng Giám đốc Khách sạn Furama chia sẻ. Việc đào tạo không đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng khiến không ít công ty du lịch “lao đao” trong việc tìm kiếm HDV. Thậm chí có công ty đành phải từ chối khéo một vài tour vì không tìm ra HDV. Để đối phó tình trạng khan hiếm HDV trong mùa cao điểm, các công ty thường tuyển dụng thêm đội ngũ cộng tác viên bên ngoài. Nhưng việc quản lý và “giữ chân” nguồn HDV không chính thức này cũng không phải dễ. &Ldquo;Vì số lượng HDV tự do nhiều hơn số HDV sẵn có nên các công ty lữ hành thường gặp khó khăn trong việc điều phối tour cũng như ràng buộc nếu chẳng may HDV đó vi phạm hoặc không chịu dẫn tour cho công ty”, ông Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch miền trung của Hanoitourist chia sẻ. Mặt khác, khi sử dụng nguồn HDV tự do, nhiều công ty lữ hành cũng thấp thỏm lo sợ vì nếu Thanh tra ngành Du lịch phát hiện có thể bị phạt trên 5 triệu đồng/trường hợp. Chạy “sô” vẫn không đủ Theo nhiều công ty lữ hành nhận định, việc thiếu HDV du lịch ở Đà Nẵng không diễn ra thường xuyên mà mang tính cục bộ. Cứ vào mùa du lịch cao điểm hay vào dịp Đà Nẵng tổ chức nhiều sự kiện và lễ hội, lượng khách đến Đà Nẵng tăng cao thì tình trạng thiếu HDV mới trở nên gay gắt. &Ldquo;Số lượng HDV có chuyên môn giỏi thì ít mà các công ty nào cũng gọi nên họ luôn luôn đắt khách. Còn những HDV bình thường hay ít kinh nghiệm thì các công ty ngại gọi họ đi vì sợ “bể” đoàn”, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Đà (Vietdatravel) cho biết. Để cạnh tranh, nhiều công ty lữ hành đành chấp nhận trả thêm thù lao. Trung bình một HDV du lịch nhận từ 300.000-350.000 đồng/ngày cho tour đi gần, từ 400.000-500.000 đồng/ngày cho tour đi xa. Vào mùa cao điểm, nhiều công ty lữ hành có thể tăng giá thêm 20% đến 100% thù lao để thu hút HDV cho đoàn của mình nhằm cạnh tranh với các công ty khác. Một thực tế cho thấy, có nhiều giáo viên dạy các môn xã hội tại các trường học hoặc làm ngành khác cũng muốn làm cộng tác viên cho các công ty du lịch nhưng vì không có thẻ hành nghề nên họ không dám đi hoặc các công ty không dám gọi vì sợ bị phạt. Trong khi đó, việc học để được cấp thẻ HDV chỉ mất thời gian 3 tháng nhưng hầu như ít ai theo đuổi khóa học này một phần do bận rộn, một phần không có kinh phí. Vì vậy, việc thiếu HDV mùa cao điểm sẽ còn tiếp tục “nóng” trong những năm tới! Bài và ảnh:HOÀNG HÂN (ĐN) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét